Về thôi.

Come back to here

Tôi từng mong mình được ngồi trước một mặt nước như thế này

nhưng tôi không nghĩ tới lúc được như vậy,

tôi lại thương nó đâu.

~

“Trở về thôi”, tôi nói với chính mình. “Trở về đi, đằng kia chẳng có gì hết”, tôi đã nói với mình như thế sau khi đọc xong nửa quyển sách chiều nay.

Tôi nhận ra mình đã rong chơi xa hơn so với dự kiến ban đầu. Cuộc rong chơi lúc khởi bước chỉ định thư giãn, nhưng giờ đã lạc lối lắm rồi. Cái trạng thái lạc lối cũng buồn cười – lạc mà biết rõ mình lạc, càng biết rõ đường về nằm ở đâu, biết rằng chớp mắt một cái và kêu “Về đi thôi”, thế là về được. Mà bấy lâu nay chưa thèm về.

Tôi đã từng viết rất nhiều về những thứ rung rinh trên đầu – như lá, mây và gió, những thứ chèn len dưới chân – như đất, cỏ và côn trùng, những thứ đuổi theo bước mình ngay bên cạnh – như sông, nước, dòng người và tiếng ồn. Tôi đã từng viết về chúng mà không cần hiểu biết khoa học về nguồn gốc của chúng, viết bằng sự mù tịt, sự mò lối trong tối và bằng sự thương đơn thuần. Tôi viết về chúng như bay như chảy mà không cần biết mình viết gì, không ngại ai đó quánh vào cái giá bản thân, không ngại bị cân đo đong đếm rằng chọn chữ chưa đắt, tả chưa quý, vuốt câu chưa suôn, hiểu biết không tới hột gạo mà bày trò viết về cánh đồng. Đó là những lúc tôi viết liên tù tì đơn giản vì thương quá, không viết thì không chịu được.

Những lúc ấy đã đi đâu mất, dạo này không còn thấy nữa. Hèn chi mà trong bụng cứ thấy một khoảng không to đùng, quơ quào mãi đem vào lấp mà chẳng có cái nào vừa. Đến khi đọc lại quyển sách chiều nay, thấy biện pháp đơn giản quá: chỉ cần trở về thôi.

~

Với thời khóa biểu của người khác giao cho, dạo này tôi quên mất lũ cây dọc đường đang rất xanh. Từ lúc làm việc ở Quận 7 tới giờ, hằng ngày xe chạy ngang không biết thêm bao nhiêu cây xanh, tôi thấy hoài nhưng quên mất. Tôi quên triệt để đến mức còn định ghé một cửa hàng gốm, mua một bình bông, sau đó ghé tiếp chợ bông, mua một bó lá để về cắm vào bình, rồi đặt bình vào phòng làm việc, để tán dương và ngắm nghía những cái lá trong bình ấy, quên hẳn lá ngoài trời đi. Tôi đã quên triệt để như vậy đấy.

Cũng với những thời khóa biểu ấy, tôi còn quên nhiều thứ khác, nhưng cái quên đặc biệt nhất là quên làm tốt công việc hiện tại. Cứ ở hoài trong trạng thái đang làm việc hiện tại mà nghĩ vài tiếng nữa thì làm gì tiếp đây, tôi không nghĩ hiện tại đang là tương lại của vài tiếng trước, và vài tiếng tiếp theo cũng sẽ bị phớt lờ giống vầy đây nếu cứ quên. Tôi quên luôn sinh viên đang ngồi cạnh cô của nó hiện tại, nó muốn thấy cô nó nói cái gì đơn giản, dễ hiểu, không bị mớm lời như robot, muốn cô thấy nó cười và cúi chào cô gần sát đất khi đứng lên.

Một số bạn của tôi cũng bị tôi quên – tôi nghĩ họ không buồn đâu, vì người nên buồn là tôi, nếu tôi thật sự có nên buồn. Có một chị tôi quen lúc đi ăn cách đây 3 tháng, hôm qua tự nhiên nhắn tin tới rủ cafe, tôi ngần ngừ rồi lắc đầu luôn dù thấy rõ cái dễ thương sẽ gặp nếu đi cafe với chị. Những người bạn khác cũng bị tôi làm như thế. Chỉ vì tôi lấy cớ đang bận theo thời khóa biểu của người khác đưa.

~

Tôi nghĩ, trở về một cái thôi sẽ giải quyết được tất cả những điều này. Trở về thì không cần xài thời khóa biểu của người khác nữa – dù người đó mang quyền hành đổ trời – vì thật ra, bất kì ai cũng chỉ có thể làm đổ được duy nhất khoảng trời trên đầu họ, chứ không phải trên đầu ai khác. Trở về thì sẽ không quên bạn nữa, sẽ chấp nhận được buổi cafe từ một người mới quen một lần, và nhiều cafe hơn từ lũ bạn đang chờ sẵn ngoài cửa ngõ, chỉ đợi mình bước ra là lại thương mình như xưa. Trở về thì sẽ thấy trò cười, thấy tụi nó tuy làm biếng nhưng trong sâu thẳm rất muốn làm siêng, chỉ là tìm chưa ra đường. Trở về thì sẽ lại thấy cây xanh mướt rì, không cần mua thêm chậu mà ngắm miễn phí ngoài đường cũng đã mỏi mắt lắm rồi.

Căn bệnh xa chữ mà tôi nghĩ mình đang mắc, chắc cũng sẽ hết nếu trở về như thế. Vì chữ tuôn từ trong ra, chứ không phải ngoài vô (mà, phân biệt “ngoài” với “trong” làm sao, nếu nơi ấy không có xây hàng rào?).

Trở về để mở chìa khóa, chạm nhẹ lên cái mặt đất trong bụng, nghe nó phập phồng nói và viết phập phồng theo nó, để tìm lại được trạng thái chữ hồn nhiên của hồi xưa, cái hồn nhiên căng tròn như bụng bầu mà không cần phôi thai đâu đến 9 tháng.

Vì cứ chạm là nở, rồi cứ chạm là nở, và người viết thì vui suốt quãng làm việc ấy. Chỉ cần trở về một cái thôi.

What do you think ^^?