Cơm dư. Cơm lụm.

gao-nep-cai-hoa-vang_1356661288

♫.

Ba mẹ hay ăn cơm dư của mình.

Mình nghĩ là ba mẹ nào cũng từng có chuyện này, và ai sắp làm ba mẹ sẽ sắp có chuyện này. Cho dù mình, khi bắt đầu biết chuyện, dứt khoát không cho ba mẹ ăn cơm dư của mình nữa, thì ba mẹ vẫn cứ ăn.

Rồi bây giờ, mình đang tập ăn cơm dư. Cơm dư, đồ ăn dư, các thể loại dư mà còn bỏ vô miệng được, chưa tới nỗi bị đau bụng.

Ăn rồi mới thấy, nó có ghê như mình tưởng đâu. Nó ghê là vì mình tưởng thôi. Nó hết ghê khi mình không tưởng nữa. Đồ ăn là đồ ăn, đồ ăn trong trạng thái chưa phải cặn bã đều chui qua lỗ miệng được. Huống chi những thứ dư mình ăn, hoàn toàn rất ngon.

Có một người quen, hỏi mình sao ăn được. Mình nói, ba mẹ ông bà vẫn thường ăn của con cái hoài, có sao đâu. Người ấy chỉ rùng mình, t không tưởng tượng ra được. Toàn nước miếng nước mũi không, sao ăn.

Mình nói, vậy tưởng tượng là m không còn gì khác để ăn ngoài cái này đi.

T cũng không tưởng tượng được.

Vậy nếu mai mốt m lâm vô cảnh này thì sao?

T chưa lâm vô nên không cần tưởng tượng như vậy.

Đoạn đối thoại cụt ngẳn, tới đó hết. Khi người đó không xem thức ăn chỉ là thức ăn, thì khó mà ăn thức ăn vô bụng như là ăn thức ăn được. Khi mà người đó còn coi thức ăn như thứ trang sức thánh thần, tô điểm cho lòng ruột bao tử hay cái gì bề ngoài đại loại như vậy, thì không nhét thức ăn vô bụng như là nhét thức ăn được.

Khi mà còn để thức ăn lên đầu mình chứ không phải vị trí nó nên ở, thì người ta tôn sùng nó chứ không phải tôn trọng nó. Mà tôn sùng không đúng cách thì có khả năng, nó sẽ biến thành chà đạp trong một lúc nào đó.

♫ ..

Rồi cơm lụm cũng vậy.

Cơm lụm thì đó giờ mình ăn nhiều hơn là cơm dư, nhưng cũng thuộc dạng ít. Đồ ăn lụm cũng vậy, trừ miếng nào ngon lắm thì đi rửa nước cả chục bận rồi mới dám ăn lại. Hồi đi học, được bạn bè truyền cho quy tắc 10s (trong vòng 10s sau khi rớt mà lụm lên thì vi trùng chưa kịp tấn công – không biết ai chế ra, thiệt tình…) nên cứ theo đó mà lụm snack, lụm kẹo, lụm khô bò, lụm cơm ăn lại thoải mái.

Nhưng nói chung, cảnh thường thấy nhứt của những người lớn xung quanh mình, là bốc cái đồ rớt mà bỏ vô thùng rác. Tự nhiên như đã làm hàng trăm lần. Điều đó cũng làm mình nhột tay khi muốn bốc gì lên ăn lại. Một là phải ngó trước ngó sau coi có ai dòm không, kẻo họ quánh vô cái giá của mình thì mắc cỡ chết. Hai là cũng làm theo người ta luôn cho rồi – bỏ đi đi, có nhiêu đâu.

Sau này nghĩ lại thấy cũng mắc cười bản thân. Mình mất tiền mua suất ăn, mình rớt mình không lụm lại thì không sợ mình bị uổng tiền, không sợ mình mắc chứng hoang phí mà lại sợ người ta quánh vô cái giá của mình. Nói ngắn là mình thiệt thòi, mình thèm thuồng mà mình không sợ, cứ sợ người ta người ta ngoài đường.

Rồi một bữa, mình đọc chuyện của Hư Vân lão hòa thượng. Chuyện một Phật tử lên tận ngôi chùa trên núi của ngài mà ăn cơm. Rớt có một hột khỏi mâm thôi, vị Phật tử đó thấy lão hòa thượng cẩn thận lụm lại, bỏ vô chén mình. Rồi cọng rau, cọng bún gì, ngài cũng đối xử y như vậy. Người Phật tử đó sợ lão hòa thượng bụng yếu, ăn vậy không vệ sinh nên nói. Ngài chỉ trả lời một câu gì đó mà mình quên rồi, đại khái là, nhiều người tìm một hột cơm còn khó, sao mình lại bỏ đi, có dơ dáy chi nhiều đâu.

Mà nghĩ cho kĩ thì thiệt ra, ăn cơm lụm cũng đâu có chết. Đối với cái chuẩn của những người thường được ăn cơm trong chén thì cơm lụm là mất vệ sinh, chứ với cái chuẩn của những người tìm cơm dưới đất thì có cơm mà lụm là sang rồi.

Nói thiệt lòng đó, mình nghĩ ít người chết vì ăn cơm lụm lắm.

Người ta chết vì không có cơm ăn thì nhiều hơn.

5 Comments Add yours

  1. mykids-yourkids nói:

    – chị nhớ hồi nhỏ má chị hay nói ăn mà rớt cơm xuống âm phủ cơm biến thành con dòi phải ăn dòi, ta nói sợ gần chết ăn không dám làm rớt hột nào… lỡ rớt cũng lụm bỏ vô miệng…
    – Hiện tại papa chị và chồng chị cũng có tính giống nhau, đồ ăn dư thừa cỡ nào cũng ráng hâm, chế biến lại mà ăn… thiệt tình nhiều lúc nhìn chẳng ngon lành gì cả, nhưng câu nói quen thuộc luôn là, thôi bỏ tội chết!
    – Con chị hồi nhỏ, nó ăn dư thì người ăn dùm nó luôn là chị và chồng chị….
    – Chị biết bên này người ta không dòm mình bằng con mắt bình thường đâu, ngay cả con chị, tụi nó có lẽ cũng không chấp nhận vậy, như Tin Sie giờ ăn uống gì cũng phải để riêng, tụi nó không ăn chung đồ ăn của nhau, nó nói ” con không muốn bạn chê!”… như cơn gió đã thổi, chị không thể cứ đi ngược gió bấc em à! Nên chị giờ không thể dạy con như má ngày xưa, chỉ có thể nói cho con biết bao nhiêu đứa trẻ chết đói trên thế giới, bao nhiêu đứa phải lấy thức ăn trong thùng rác ra ăn, vì thế yêu cầu đơn giản nhất mà chị yêu cầu tụi nó là không hạnh họe chê khen ngon dở, không bỏ mứa là tốt lắm rồi!

    1. Dê Xù nói:

      Hì… em cũng biết là sống trong xã hội bên đó thì khó làm “triệt để” như mình lắm ^^. Nhưng nếu 2 nhóc làm y chang như những gì chị nói ở câu cuối, em nghĩ vẫn tốt lắm rồi. : )

  2. doraemon2511 nói:

    Cảm ơn Dê Xù nhé! Bài viết rất hay!
    Nhỏ đến giờ Mon vẫn tự dặn lòng ăn không phí phạm, coi như đó là quyền lợi, cũng là nghĩa vụ. Không ăn thì thôi, ăn thì phải hết, không thừa dù chỉ một hột cơm… Tự nấu có ngon hay dở, ra quán kêu món ăn có vừa ý hay không đều là do mình quyết định, vì vậy, tự thân chịu trách nhiệm để nhớ và rút kinh nghiệm.
    Hi vọng chết được lên trển, được ăn ngon ngon :)

    1. Dê Xù nói:

      Muốn được lên trển chắc, Mon với Xù còn phải làm nhiều thứ khác lắm nữa đó, chứ chỉ có ráng ăn cho hết chắc chưa được “thăng” đâu ^^

      1. doraemon2511 nói:

        Ừ, chắc phải vậy… cơ mà bao nhiêu cho đủ :)

Gửi phản hồi cho doraemon2511 Hủy trả lời